Đăng Ký Học
Ngày 09/08/2024 16:40:15, lượt xem: 23101
Viết bài văn phân tích một tác phẩm thơ là một dạng bài quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 9 mà 2k10 cần phải lưu ý. Dưới đây là bài viết mẫu phân tích bài thơ "Khóc Dương Khuê" - Nguyễn Khuyến do Học Văn Chị Hiên biên soạn. Các bạn có thể tham khảo và áp dụng vào bài viết của mình.
Tự bao đời, tình bạn đã trở thành một đề tài quen thuộc của văn học nghệ thuật nói chung và của thi ca nói riêng. Lịch sử thơ Việt từ xưa đến nay có không ít những tình bạn đẹp, in dấu vào nhiều tác phẩm. Ta bắt gặp những “tiếng khóc” nghẹn ngào khi người bạn của mình phải rời xa trần thế trong “Viếng bạn” của Hoàng Lộc hay “Diệu ơi Diệu đã về yên tịnh” của Huy Cận. Nhưng có lẽ, người đọc sẽ mãi ấn tượng và nhớ đến những vần thơ lay động lòng người trong “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến. Bài thơ được sáng tác vào năm 1882, khi người bạn Dương Khuê qua đời, thể hiện nỗi tiếc thương vô hạn và niềm xót xa tột cùng của tác giả trước sự ra đi của người bạn tri kỷ.
Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là hai người bạn tri kỉ, họ đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Nguyễn. Tình bạn đó được xây dựng trên cơ sở sự tín nhiệm, sự tương trợ và chia sẻ những niềm đam mê, ước mơ trong cuộc sống. Cái chết đột ngột của Dương Khuê khiến Nguyễn Khuyến rơi vào sự đau buồn không lối thoát. Ông nhớ lại những kỷ niệm đẹp của hai người, từ những cuộc đàm đạo thân mật đến những chuyến đi chinh phục những ngọn núi hiểm trở. Trong lòng Nguyễn Khuyến, Dương Khuê vẫn là một phần tâm hồn của ông. Có thể xem đây cũng là một bài văn tế được viết bằng thể thơ song thất lục bát, giọng thơ réo rắt đẫm lệ.
Mở đầu bài thơ là tiếng nấc nghẹn ngào: “Bác Dương thôi đã thôi rồi”. Câu thơ ngắn gọn nhưng chứa đựng bao niềm xót xa, thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của người bạn tri kỷ. Nỗi đau ấy càng được tô đậm thêm qua hình ảnh “nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”. Từ “man mác” bản thân nó đã gợi nên một nỗi buồn mênh mông. Khi kết hợp với cặp từ “ngậm ngùi” lại làm cho lời thơ nghe càng thêm tâm trạng. Không riêng gì nỗi đau mất đi một người tri kỉ mà sâu xa hơn còn là tiếng lòng của nhà thơ đối với đất nước. Hai chữ “nước mây” chỉ hai sự vật cách xa. Nước chảy, mây trôi, xa nhau vời vợi, nghìn trùng cách trở, có mấy khi gặp nhau. Song, lòng nước chảy, dù đi đâu về đâu vẫn ôm ấp bóng mây trôi.Khung cảnh thiên nhiên ảm đạm, u buồn như hòa quyện với tâm trạng của thi sĩ, thể hiện sự bàng hoàng, đau đớn trước tin bạn qua đời.
Tình bạn gắn bó, keo sơn của hai người được hiện lên qua những dòng hồi tưởng của Nguyễn Khuyến:
“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời.”
Từ thuở “đăng khoa ngày trước”, hai người đã cùng nhau “sớm hôm”, “kính yêu”, chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Đây là câu thơ nghiêm trang nhất của bài thơ. Một tình bạn đẹp và cao quý thì chẳng những biết “yêu” mà còn phải biết “kính”. Người đời, trong tình bạn thường biết “yêu” mà ít biết “kính” (kính người trên thì dễ, kính người ngang thì khó). Bạn nhắm mắt rồi mà nói được “kính yêu từ trước đến sau” thì tình bạn ấy thật là toàn vẹn như một viên ngọc không tì vết.
Nhà thơ hồi tưởng lại những kỉ niệm một thời gắn bó của nhà thơ và bạn: cùng đi thi, cùng làm quan, cùng làm thơ – uống rượu và cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc đời…
“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo,
Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.”
Điệp từ “cũng có lúc... có khi” cho ta thấy kỉ niệm hiện về dồn dập, sống động chân thực, khó phai mờ. Họ đã từng cùng trải qua những giờ phút thú vị, chứng tỏ họ là những người bạn ý hợp tâm đầu, có tâm hồn biết thưởng thức và chia sẻ những niềm vui thanh cao của kẻ tao nhân mặc khách. Nhắc lại những kỉ niệm đó, tâm hồn nhà thơ như còn rung cảm vì tiếng suối “róc rách lưng đèo” nơi “dặm khách” xa xôi. Nhà thơ như cùng đang sống lại với những cảm giác thích thú “nơi từng gác cheo leo”, lắng nghe tiếng đàn, tiếng hát của các đào nương. Những kỉ niệm ấy được nhắc lại theo dòng thời gian từ xa đến gần; giọng thơ trầm đều thể hiện tình cảm giữa nhà thơ với bạn càng chồng chất.
ĐỌC THÊM: BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT (MỐI QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VỚI TỰ NHIÊN) HAY NHẤT
Là đôi bạn đến với nhau, thân nhau vì lòng mến mộ lẫn nhau, tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê thật là chỗ tri âm tri kỉ, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”:
“Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.”
Nỗi buồn thương của Nguyễn Khuyến càng thêm da diết khi ông nhận ra rằng: “Bác già, tôi cũng già rồi”. Hai câu thơ “Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!” thể hiện sự bất lực, cam chịu trước quy luật sinh tử. Nỗi nuối tiếc ấy càng được thể hiện rõ nét hơn qua những câu thơ: “Muốn đi lại tuổi già thêm nhác/Trước ba năm gặp bác một lần”. Thi sĩ mong muốn được gặp lại bạn lần nữa, để hàn huyên tâm sự, để ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ của tình bạn. Đặc biệt câu thơ cuối đoạn, có đến ba từ “thôi” trùng điệp, khác nghĩa nhau mà như cùng một nghĩa, bổ sung cho nhau, tạo ra ấn tượng về một tâm trạng cam chịu thật nặng nề: “Biết thôi- thôi - thế thì thôi”.
Tin bạn qua đời khiến Nguyễn Khuyến cảm thấy bàng hoàng, đau đớn: “Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời”. Câu hỏi tu từ “Ai chẳng biết chán đời là phải/Sao vội vàng đã mải lên tiên” thể hiện sự xót xa, trách móc trước sự ra đi đột ngột của người bạn. Nỗi cô đơn bao trùm lấy thi sĩ khi ông không còn người bạn tri kỷ để chia sẻ tâm tư, tình cảm: “Rượu ngon không có bạn hiền/Không mua không phải không tiền không mua”. Giọng thơ kể lể, tự tình trong lời than thấm đầy lệ. Các tiếng “tôi” và “bác” xuất hiện nhiều lần trong đoạn thơ như hai linh hồn đang nương tựa vào nhau; nỗi đau buồn như được nhân lên gấp bội.
Trong đoạn thơ hồi tưởng này, những kỉ niệm được trình bày theo trình tự thời gian, từ “thuở đăng khoa” đến ngày bạn qua đời. Phép liệt kê, trùng điệp được vận dụng để gây ấn tượng về một tình bạn lâu bền, sâu sắc, thuỷ chung và vô cùng thắm thiết. Có lúc ta cảm thấy người sống đang đối thoại và tâm sự với người đã khuất. Sáu đoạn thơ đã kể lại đủ hết các giai đoạn của tình bạn, lời kể nào cũng chân thành, đằm thắm. Nguyễn Khuyến vừa kể lể, vừa nức nở.
Bốn câu cuối bài thơ như một tiếng nấc đau đớn. Tuổi già vốn ít lệ (hạt lệ như sương), nên chỉ biết khóc ở trong lòng. Khóc bạn chuyển thành nỗi niềm như cam chịu số phận bi thương. Chỉ cầu mong cho linh hồn bạn thanh thản “lên tiên”:
“Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương,
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.”
Nhà thơ khuyên mình không nên khóc, bởi tuổi già còn ít nước mắt lắm, chỉ như những hạt sương mong manh thôi, làm sao có thể ép cho nước mắt tuôn chảy thành hai hàng chứa chan được. Nhưng nói như thế là nói lí. Tự nhà thơ vẫn hiểu rằng không thể “lấy nhớ làm thương” được, và càng hiểu rằng hai hàng nước mắt chứa chan của ông lúc này đâu phải do ông “ép lấy”. Hai câu thơ: “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở - Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương” với cách diễn đạt trùng điệp và tăng cấp đã tạo nên giọng thơ buồn thê thiết, Nguyễn Khuyến để lại nhiều tiếng khóc: khóc cho đất nước và dân tộc, khóc vợ, khóc con, khóc bạn,... Mỗi chữ trong thơ ông đều đẫm đầy nước mắt, những hạt lệ từ một nỗi đau lớn, từ một tình bạn lớn.
Có thể thấy, với thể thơ song thất lục bát, ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi kết hợp với nhiều biện pháp tu từ như: ẩn dụ, điệp ngữ, đối lập,... cảm xúc của bài thơ đã được thể hiện một cách chân thật và sâu lắng. Người đọc như cảm nhận được nỗi đau, sự tiếc nuối của tác giả khi người bạn thân của mình qua đời.
Tình bạn sâu đậm của hai nhà nho đã được khắc họa một cách chân thực và cảm động qua từng câu chữ. Bài thơ không chỉ là một tác phẩm văn học xuất sắc mà còn là một minh chứng cho tài năng của nhà thơ. Qua bài thơ “Khóc Dương Khuê”, chúng ta càng hiểu hơn về giá trị của tình bạn trong cuộc sống. Tình bạn chân thành là một món quà vô giá, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn và sóng gió và chúng ta hãy trân trọng những người bạn của chính mình.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Tin liên quan